Thứ ba, Tháng mười hai 3
Shadow

Các phương thức thanh toán quốc tế đang được áp dụng tại Việt Nam

Hoạt động thanh toán quốc tế có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia; được thể hiện chủ yếu trên các mặt sau:

– Bôi trơn và thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của nền kinh tế như một tổng thể.

– Bôi trơn và thúc đẩy hoạt động đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp.

– Thúc đẩy và mở rộng hoạt động dịch vụ như du lịch, hợp tác quốc tế.

– Tăng cường thu hút kiều hối và các nguồn lực tài chính khác.

– Thúc đẩy thị trường tài chính quốc gia hội nhập quốc tế.

>>>>>> Bài viết xem nhiều: Nên học xuất nhập khẩu online ở đâu

1.Các phương thức thanh toán quốc tế đang được áp dụng tại Việt Nam

Phương thức 1: Phương thức chuyển tiền (remittance)

Trong các phương thức thanh toán quốc tế thì phương thức này gây ra không ít rủi ro cho hai bên. Nhà nhập khẩu yêu cầu ngân hàng của mình chuyển một số tiền nhất định cho nhà xuất khẩu (người hưởng lợi) ở một địa điểm nhất định bằng phương tiện chuyển tiền do nhà nhập khẩu quy định.

Trên thực tế có nhiều trường hợp nhà nhập khẩu sẽ không chuyển tiền hàng cho nhà xuất khẩu cho đến khi nhận đầy đủ hàng. Đây là một lợi thế của nhà nhập khẩu nhưng lại là rủi ro của nhà xuất khẩu khi hàng hóa đã được chuyển giao nhưng tiền hàng không được thanh toán, bị chậm trễ thanh toán hoặc thanh toán không đầy đủ. Tuy vậy, bên nhập khẩu cũng có thể gánh chịu rủi ro, đặc biệt trong trường hợp chuyển tiền trước khi giao hàng như: nhận toàn bộ tiền hàng trước khi giao hàng, đặt cọc, tạm ứng,…

Chuyển tiền được chia thành 2 loại:

Chuyển tiền bằng thư (Mail transfer): Ngân hàng chuyển tiền trực tiếp gửi lệnh chuyển tiền bằng thư đến ngân hàng đại lý, yêu cầu ngân hàng này thanh toán cho người thụ hưởng theo chỉ định

Chuyển tiền bằng điện (Telegraphic Transfer – TT): Lệnh thanh toán do ngân hàng chuyển tiền gửi trực tiếp thông qua mạng lưới liên lạc viễn thông đến ngân hàng đại lý, yêu cầu ngân hàng này chi trả cho người thụ hưởng chỉ định.
Ngân hàng chuyển tiền có thể chuyển tiền bằng điện thông thường (Telex) hoặc chuyển tiền thông qua mạng SWIFT)

Phương thức 2: Phương thức tín dụng chứng từ (Letter of Credit – L/C)

Trong các phương thức thanh toán quốc tế, thanh toán thông qua dạng thư tín dụng được sử dụng khá phổ biến. Đây là phương thức chuyển trách nhiệm thanh toán từ nhà nhập khẩu sang ngân hàng bảo đảm nhà xuất khẩu giao hàng và nhận tiền hàng an toàn, nhanh chóng, nhà nhập khẩu nhận được hóa đơn vận chuyển hàng đúng hạn. Vì vậy, ở một mức độ nhất định, L/C là phương thức thanh toán cân bằng được lợi ích của cả hai bên xuất khẩu và nhập khẩu và giải quyết được mâu thuẫn không tín nhiệm nhau của cả hai bên.

Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng các bên cần lưu ý các đặc điểm pháp lý sau đây của thư tín dụng để tránh áp dụng sai, gây thiệt hại cho chính bản thân mình.

– L/C là một khế ước độc lập với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (hợp đồng cơ sở) L/C được hình thành trên cơ sở hợp đồng cơ sở (hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng dịch vụ…) nhưng khi được phát hành nó hoàn toàn độc lập với hợp đồng cơ sở. Ngân hàng mở thư tín dụng và các ngân hàng khác tham dự vào nghiệp vụ thư tín dụng chỉ làm theo quy định của thư tín dụng.

– Thư tín dụng là một “kiểu mua bán chứng từ”. Theo Điều 5 của UPC600 thì: “Các ngân hàng giao dịch trên cơ sở các chứng từ chứ không phải bằng hàng hóa, dịch vụ hoặc các thực hiện khác mà các chứng từ có liên quan”.

Như vậy, ngân hàng có nghĩa vụ thanh toán cho nhà xuất khẩu khi họ xuất trình được các chứng từ phù hợp với các điều kiện và điều khoản quy định trong L/C. Ngân hàng không được phép lấy lý do bên mua chưa nhận hàng để từ chối thanh toán nếu chứng từ mà bên bán xuất trình phù hợp với các điều kiện và điều khoản quy định trong L/C.

Phương thức 3: Phương thức ghi sổ (Open account)

Phương thức này áp dụng trong mua bán hàng hóa quốc tế như sau: Nhà xuất khẩu (người ghi sổ) sau khi hoàn thành nghĩa vụ của mình (thường là nghĩa vụ giao hàng) quy định trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (hợp đồng cơ sở) sẽ mở một quyển sổ nợ để ghi nợ. Nhà nhập khẩu (người được ghi sổ), bằng một đơn vị tiền tệ nhất định và đến từng định kỳ nhất định do hai bên thỏa thuận, sử dụng phương thức chuyển tiền thanh toán cho người ghi sổ.

Phương thức này hoàn toàn có lợi cho nhà nhập khẩu (người được ghi sổ). Nhà xuất khẩu sẽ phải gánh chịu rủi ro khi bên nhập khẩu không thanh toán hoặc chậm trễ thanh toán hoặc thanh toán không đầy đủ.

Để hạn chế rủi ro, chỉ áp dụng phương thức này khi cả hai bên là các bạn hàng có mối quan hệ làm ăn lâu dài, thực sự tin cậy lẫn nhau. Và để đảm bảo an toàn cho nhà xuất khẩu, các bên có thể áp dụng biện pháp bảo đảm như thư bảo lãnh ngân hàng, thư tín dụng dự phòng, đặt cọc,…

Các phương thức thanh toán quốc tế đang được áp dụng tại Việt Nam

Phương thức 4: Phương thức nhờ thu (Collection)

Phương thức nhờ thu là phương thức thanh toán mà bên có các khoản tiền từ các công cụ thanh toán (chủ nợ) ủy thác cho ngân hàng thu hộ tiền ghi trên công cụ thanh toán đó từ phía người nợ.

Các công cụ thanh toán quốc tế thường gồm: hối phiếu (bill of exchange); kỳ phiếu thương mại (Promissory Note), séc quốc tế (International cheque), hóa đơn thu tiền (Financial Invoice).

Có hai phương thức nhờ thu là nhờ thu trơn và nhờ thu kèm chứng từ:

– Phương thức nhờ thu trơn (clean collection)

Nhờ thu trơn là một trong các phương thức thanh toán quốc tế áp dụng trong hợp mua bán hàng hóa ngoài nước mà trong đó nhà xuất khẩu ủy thác cho ngân hàng thu hộ tiền ghi trên công cụ thanh toán mà không kèm với điều kiện chuyển giao chứng từ.

Trong quy trình nghiệp vụ của phương thức thanh toán này có một đặc điểm liên quan đến lợi ích của nhà xuất khẩu, cần đặc biệt lưu ý:
Nhà xuất khẩu giao hàng và gửi trực tiếp chứng từ cho nhà nhập khẩu, thông thường hoạt động này diễn ra trước thời điểm thanh toán.

Đây có thể là một bất lợi cho nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu chưa phải thanh toán tiền hàng nhưng đã nắm giữ được chứng từ để nhận hàng từ nhà chuyên chở nhưng sau đó cố ý chiếm dụng vốn, thanh toán chậm, thiếu, từ chối thanh toán. Ngân hàng chỉ là một tổ chức trung gian thu hộ và có thể bị nhà nhập khẩu từ chối.

Vì vậy, trong hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế cần hạn chế áp dụng phương thức này. Nếu áp dụng phương thức thanh toán này, thì chỉ nên áp dụng khi cả hai bên là đối tác tin cậy của nhau, đồng thời trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế cần có các chế tài nghiêm ngặt để bảo đảm nhà nhập khẩu thanh toán. Ví dụ: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do không thanh toán, chậm thanh toán hoặc thanh toán không đầy đủ; chịu lãi suất chậm trả, chịu phạt vi phạm nghĩa vụ thanh toán…

– Phương thức nhờ thu kèm chứng từ (documentary collection)

Nhờ thu có kèm theo chứng từ là một trong các phương thức thanh toán quốc tế được áp dụng trong hợp đồng mua bán hàng hóa ngoài nước mà trong đó nhà xuất khẩu ủy thác cho ngân hàng thu hộ tiền ghi trên công cụ thanh toán với điều kiện sẽ giao chứng từ nếu nhà nhập khẩu thanh toán, chấp nhận thanh toán hoặc thực hiện các điều kiện khác đã quy định.

Trong quy trình nghiệp vụ của phương thức thanh toán này có một điểm cần lưu ý:

Nhà xuất khẩu không giao trực tiếp chứng từ cho nhà nhập khẩu. Nhà nhập khẩu phải trả tiền thì Ngân hàng mới giao chứng từ để mang chứng từ đi nhận hàng. Như vậy, phương thức này bảo vệ được lợi ích của nhà xuất khẩu, tránh được tình trạng bị nhà nhập khẩu chiếm dụng vốn, chậm thanh toán, thanh toán không đầy đủ hoặc từ chối thanh toán.

Phương thức 5: Bảo lãnh và tín dụng dự phòng

Bảo lãnh, thư tín dụng dự phòng được kết hợp với các phương thức thanh toán khác

Bảo lãnh, thư tín dụng dự phòng được sử dụng các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng kết hợp với các phương thức thanh toán khác để tăng độ an toàn cho các bên.

Bảo lãnh là việc người thứ ba (người bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (người nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (người được bảo lãnh) nếu khi đến thời hạn mà người được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Trong giao dịch xuất nhập khẩu thường có các bảo lãnh: bảo lãnh thực hiện hợp đồng; bảo lãnh hoàn trả tiền ứng trước (hoặc tiền đặt cọc); bảo lãnh máy móc, thiết bị (xin giấy phép nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng, giấy phép nhập khẩu thiết bị y tế); bảo lãnh nhận hàng chưa có vận đơn gốc; bảo lãnh thanh toán,…

Thư tín dụng dự phòng là cam kết không hủy ngang, độc lập, bằng văn bản và ràng buộc khi được phát hành. Trong đó người phát hành cam kết với người thụ hưởng thanh toán chứng từ xuất trình trên bề mặt phù hợp với các điều khoản và điều kiện của thư tín dụng dự phòng theo đúng quy tắc. Người phát hành phải thanh toán chứng từ xuất trình bằng việc chuyển số tiền theo phương thức trả tiền ngay, hoặc chấp nhận hối phiếu của người thụ hưởng hoặc cam kết trả tiền sau hoặc chiết khấu,…

Nhìn chung thanh toán quốc tế của một số ngân hàng tương đối giống nhau

Tình hình sử dụng phương thức thanh toán quốc tế của một số doanh nghiệp

Công ty Bắc Sinh. (Nguồn: do chị Dương Thị An Ry, nhân viên xuất nhập khẩu của Công ty Bắc Sinh cung cấp)

Địa chỉ: 170 QL1A, phường Tân Thới Nhất, Quận 12, TP.HCM

Lĩnh vực kinh doanh: Công ty chuyên về lĩnh vực gia công hàng may mặc xuất khẩu.

Thị trường xuất khẩu: Châu u nhưng chủ yếu là Mỹ.

Phương thức thanh toán quốc tế mà Công ty áp dụng: do là một đơn vị gia công nên Công ty sử dụng phương thức thanh toán chuyển tiền bằng hình thức chuyển tiền bằng điện (T/T)

Do Công ty làm ăn dựa trên sự tin tưởng với khách hàng và giá trị hợp đồng không cao => khả năng xảy ra rủi ro thấp . Vì vậy theo Công ty, nhà nhập khẩu không cần đặt cọc truớc số tiền thanh toán.

Công Ty Cổ Phần Thủ Công Mỹ Nghệ Phong Cách Việt – Viet Style Handicrafts Corporation.(Nguồn: do chị Lê Thị Trúc Mai, nhân viên xuất nhập khẩu của Công ty Phong Cách Việt cung cấp)

Địa chỉ: 16/38 đường 304, phường 25, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.

Lĩnh vực kinh doanh: Công ty chuyên về lĩnh vực xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ như: tranh sơn mài, các loại bàn ghế bằng mây, tre…

Thị trường xuất khẩu chủ yếu là châu âu.

Các phương thức thanh toán quốc tế mà Công ty thường sử dụng trong các hợp đồng:

Phương thức 6: Phương thức thanh toán tín dụng chứng từ

Đối với những trường hợp: giá trị đơn đặt hàng lớn, bảo đảm đúng thời gian cho nhà nhập khẩu …, những khách hàng mà Công ty không tin tưởng vào khả năng thanh toán của họ (Châu Phi) => Công ty thường áp dụng phương thức thanh toán tín dụng chứng từ. Các bước thực hiện phương thức thanh toán tín dụng chứng từ của công ty và nhà nhập khẩu hoàn toàn tương tự như lý thuyết đã nêu ở mục A.

Ngân hàng thông báo của Công ty là ngân hàng Vietcombank. Loại L/C mà Công ty thường áp dụng là L/C không huỷ ngang.

Phương thức thanh toán chuyển tiền bằng hình thức điện báo (T/T) (thường áp dụng nhiều nhất):

Đối với phương thức thanh toán bằng T/T, đa phần khách hàng của Công ty phải đặt cọc 40% số tiền thanh toán. Sau khi Công ty hoàn thành nghĩa vụ giao hàng và fax B/L cho nhà nhập khẩu thì nhà nhập khẩu sẽ chuyển 60% số tiền thanh toán còn lại cho Công ty và Công ty sẽ gửi bộ chứng từ cho người bán.

Công ty chọn giải pháp đặt cọc tiền để tránh trường hợp nhà nhập khẩu không nhận hàng hoặc nếu có thì thiệt hại sẽ được giảm bớt.Trong trường hợp đối tác là khách hàng tin cậy, làm ăn lâu năm, Công ty sẽ giảm số tiền đặt cọc xuống. Công ty thường áp dụng phương thức này đối với những hợp đồng có giá trị không cao chỉ vào khoảng 5-10 triệu USD.

2.Đánh giá về các phương thức thanh toán quốc tế 

Điểm qua hoạt động thanh toán quốc tế của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam, nổi lên một số tồn tại chính là:

+ Công nghệ thanh toán của các ngân hàng còn lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

+ Chất lượng nghiệp vụ thanh toán chưa cao, sản phẩm dịch vụ chưa đa dạng, chưa đáp ứng hết đòi hỏi của khách và đòi hỏi của thương mại quốc tế trong tình hình hiện nay.

+ Tình trạng sử dụng mở L/ C trả chậm như kênh tạo tiền nhập khẩu hàng hoá, quản lý kém hiệu quả đã tạo nên gánh nặng công nợ cho hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam.

+ Vấn đề các mức phí mà các ngân hàng Việt Nam quy định cũng còn nhiều bất cập.

Hy vọng bài viết của Thanh toán Quốc tế sẽ hữu ích với bạn học xuất nhập khẩu.

>>>>>> Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *