Thứ ba, Tháng mười hai 3
Shadow

Phân Loại Bảo Lãnh Ngân Hàng Trong Thanh Toán Quốc Tế

Bảo lãnh ngân hàng là hình thức cam kết bằng văn bản của đơn vị tài chính hay tổ chức tín dụng (bên bảo lãnh) với bên nhận bảo lãnh về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng (bên được bảo lãnh) khi khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh.

Nếu phát sinh sai phạm, khách hàng phải nhận nợ và hoàn trả cho tổ chức tín dụng số tiền đã được trả thay.

Bảo lãnh ngân hàng cũng được phân chia thành nhiều loại khác nhau, tùy thuộc vào tính chất về phương thức phát hành bảo lãnh, mục đích bảo lãnh, và điều kiện thanh toán.

>>>>>> Xem nhiều: Nên học xuất nhập khẩu online ở đâu

I. Phân loại bảo lãnh ngân hàng theo phương thức phát hành bảo lãnh

Căn cứ theo phương thức phát hành bảo lãnh, bảo lãnh ngân hàng chia thành:

1. Bảo lãnh trực tiếp (Direct Cuarantee):

– Là loại bảo lãnh, trong đó ngân hàng của người xin bảo lãnh cam kết bồi thường không hủy ngang trực tiếp cho người thụ hưởng.

– Sau khi đã bồi thường cho người thụ hưởng, ngân hàng truy đòi bồi hoàn trực tiếp từ người xin bảo lãnh.

– Thông thường có ba bên tham gia là ngân hàng phát hành, người xin bảo lãnh và người thụ hưởng. Khi người thụ hưởng ở nước ngoài, thường có thêm một ngân hàng ở nước người thụ hưởng tham gia làm đại lý cho ngân hàng phát hành với nhiệm vụ thông báo thư bảo lãnh cho người thụ hưởng.

2. Bảo lãnh gián tiếp (Indirect Guarantee):

– Là bảo lãnh, trong đó người xin bảo lãnh yêu cầu ngân hàng phục vụ mình (gọi là ngân hàng chỉ thị) đề nghị ngân hàng ở nước người thụ hưởng (gọi là ngân hàng bảo lãnh) phát hành thư bảo lãnh (gọi là bảo lãnh chính hay bảo lãnh gốc) và chuyển cho người thụ hưởng.

– Để bảo lãnh gián tiếp có hiệu lực, thì ngân hàng chỉ thị phải phát hành một thư bảo lãnh cho ngân hàng bảo lãnh hưởng. Thư bảo lãnh giữa hai ngân hàng này gọi là thư bảo lãnh đối ứng hay bảo lãnh giáp lưng (Counter Guarantee or Back – to – Back Guarantee).

– Nội dung và các điều khoản của thư bảo lãnh đối ứng phải giống với nội dung và các điều khoản của thư bảo lãnh gốc.

– Khi xảy ra vi phạm hợp đồng, thứ tự bồi hoàn như sau: Người thụ hưởng truy đòi ngân hàng bảo lãnh; sau đó ngân hàng bảo lãnh truy đòi ngân hàng chỉ thị; và cuối cùng, ngân hàng chỉ thị truy đòi người yêu cầu bảo lãnh.

– Như vậy, trong bảo lãnh gián tiếp có 4 thành phần tham gia là:

  • Người xin bảo lãnh-Principal.
  • Ngân hàng chỉ thị-Instructing Bank (ngân hàng phục vụ người xin bảo lãnh).
  • Ngân hàng bảo lãnh-Issuing Bank (ngân hàng phục vụ người thụ hưởng).
  • Người thụ hưởng – Beneficiary.

– Theo tập quán, ngân hàng bảo lãnh sẽ soạn nội dung và gửi mẫu thư bảo lãnh đề ngân hàng chỉ thị chấp nhận.

– Do là khách hàng của ngân hàng bảo lãnh, nên quyền lợi của người thụ hưởng được bảo vệ chắc chắn hơn.

Ví dụ: Công ty Vinafood xuất khẩu gạo sang Philippines. Nhà nhập khẩu yêu cầu phải có bảo lãnh thực hiện hợp đồng do một NHTM tại Philippines phát hành. Vinafood yêu cầu một NHTM Việt Nam ra chỉ thị cho một NHTM tại Philippines phát hành bảo lãnh thực hiện hợp đồng cho người nhập khẩu hưởng.

Với bảo lãnh này, nhà nhập khẩu vừa được bảo vệ mình trước những rủi ro từ phía Vinafood và cả những rủi ro có thể từ phía NHTM Việt Nam.

Phân Loại Bảo Lãnh Ngân Hàng Trong Thanh Toán Quốc Tế

II. Phân loại bảo lãnh ngân hàng theo mục đích bảo lãnh

Căn cứ theo mục đích bảo lãnh, bảo lãnh ngân hàng gồm các loại cơ bản sau:

1. Bảo lãnh vay vốn:

Là cam kết của bên bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh về việc sẽ trả nợ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, đúng hạn nghĩa vụ trả nợ vay.

2. Bảo lãnh dự thầu:

Là cạm kết của bên bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh (bên mời thầu) để bảo đảm nghĩa vụ tham gia dự thầu của bên được bảo lãnh. Trường hợp bên được bảo lãnh vi phạm quy định dự thầu mà không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính tham gia dự thầu thì bên bảo lãnh sẽ thực hiện thay.

Trong thương mại, đấu thầu thường được sử dụng để tìm được nguồn cung cấp tối ưu nhất.

Các bên tham gia dau thau bao gồm:

  • Chủ thầu hay người mời thầu (người mua, nhà nhập khẩu) là người thụ hưởng bảo lãnh;
  • Người dự thầu (người bán, cung ứng, nhà xuất khẩu) là người xin bảo lãnh. người dự thầu phải nộp kèm đơn dự thầu một thư bảo lãnh dự thầu do một ngân hàng phát hành.

Mục đích của bảo lãnh dự thầu là nhằm bù đắp thiệt hại về thời gian và chi phí cho chủ thầu do những vi phạm của người dự thầu gây ra như: rút đơn thầu. trúng thầu nhưng bỏ không ký tiếp hợp đồng cung ứng, bổ sung thêm các điều kiện khi ký hợp đồng so với bản dự thầu. .

Báo lãnh dự thầu thực chất là công cụ thay thế việc ký quỹ của người dự thầu. Ngoài ra, bảo lãnh dự thầu còn có tác dụng để cho bên chủ thầu thấy đơn dự thầu là một đề nghị nghiêm túc và bên dự thầu sẽ ký kết hợp đồng nếu trúng thầu. Việc ngân hàng cấp bảo lãnh dự thầu hàm ý năng lực tài chính của người dự thầu là lành mạnh; ngoài ra, nếu trúng thầu ngân hàng sẽ xét cấp tiếp các bảo lãnh như bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh đặt cọc.

Thời hạn bảo lãnh dự thầu kết thúc trong các trường hợp sau:

  • Người dự thầu trúng thầu và ký bảo lãnh thực hiện hợp đồng.
  • Người dự thầu không trúng thầu.

Mức bảo lãnh theo thông lệ là từ 2% đến 5% giá trị hợp đồng.

3. Bảo lãnh thực hiện hợp động:

Là cam kết của bên bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh để bảo đảm việc thực hiện đúng, đầy đủ các nghĩa vụ của bên được bảo lãnh theo hợp đồng đã ký kết với bên nhận bảo lãnh. Trường hợp bên được bảo lãnh vi phạm hợp đồng bị phạt hoặc phải bồi thường cho bên nhận bảo lãnh mà không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính thì bên bảo lãnh
sẽ thực hiện thay.

Đây là loại bảo lãnh thông dụng trong ngoại thương và thường có hiệu lực ngay khi chấm dứt hiệu lực của bảo lãnh dự thầu.

Các bên tham gia bảo lãnh thực hiện hợp đồng bao gồm:

  • Người mua là người thụ hưởng bảo lãnh;
  • Người cung ứng, người bán là người xin bảo lãnh.

Mục đích của bảo lãnh thực hiện hợp đồng:

– Tạo nghĩa vụ cho người bán phải phải thực hiện đúng những điều đã ký kết trong hợp đồng.

– Bồi thường cho người mua trong trường hợp người bán vi phạm hợp đồng như không giao hàng, giao hàng chậm, không đúng chất lượng, số lượng.

Mức bảo lãnh thực hiện hợp đồng thường từ 5 – 10% giá trị của hợp đồng. Hiệu lực của loại bảo lãnh này chấm dứt khi người được bảo lãnh hoàn thành nghĩa vụ cung ứng hàng hoá.

4. Bảo lãnh tiền đặt cọc và tiền ứng trước:

Là cam kết của bên bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh để bảo đảm nghĩa vụ hoàn trả tiền ứng trước của bên được bảo lãnh theo hợp đồng đã ký kết với bên nhận bảo lãnh. Trường hợp bên được bảo lãnh phải hoàn trả tiền ứng trước mà không hoàn trả hoặc hoàn trả không đầy đủ thì bên bảo lãnh sẽ thực hiện thay.

Đặt cọc là việc người mua chuyển một số tiền ký quỹ nhằm bảo đảm thực hiện hợp đồng, đồng thời người mua cũng yêu cầu người bán đề nghị ngân hàng phát hành thư bảo lãnh khoản tiền đặt cọc đó; thư bảo lãnh này gọi là bảo lãnh tiền đặt cọc. Thông thường tiền đặt cọc không tính lãi suất.

Đối với những hợp đồng thương mại có giá trị lớn, để giúp người bán có vốn ban đầu để sản xuất và nhanh chóng giao hàng cho người mua, trong hợp đồng thương mại thường quy định một tỷ lệ theo giá trị hợp đồng phải được đáp ứng trước cho người bán; đồng thời người mua cũng yêu cầu người bán để nghị ngân hàng phát hành thư bảo lãnh khoản tiền ứng trước đó; thư bảo lãnh này gọi là bảo lãnh tiền ứng trước. Thông thường tiền ứng trước được tính lãi suất phát sinh.

Mục đích của bảo lãnh tiền đặt cọc hay ứng trước: Nhằm đảm bảo cho người mua được nhận lại số tiền đã đặt cọc hay ứng trước trong trường hợp người bán không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng, nghĩa là không giao hàng đúng như hợp đồng quy định.

Các bên tham gia gồm:

  • Người mua hay người đặt hàng là người thụ hưởng bảo lãnh;
  • Người bán hay nhà cung ứng là người yêu cầu bảo lãnh.

Mức đặt cọc hay ứng trước thông thường từ 5% đến 20% giá trị hợp đồng.

Bảo lãnh tiền đặt cọc hay ứng trước có hiệu lực khi người bán sử dụng khoản tiền này và hết hiệu lực khi người bán giao hàng lần cuối cộng với một số ngày để người thụ hưởng làm thủ tục đòi tiền nếu có.

Đối với những hợp đồng quy định hàng hoá được giao làm nhiều lần. thì trong hợp đồng bảo lãnh cần quy định điều khoản giảm dần giá trị bảo lãnh tương ứng với hàng hoá đã được giao. Để chứng minh rằng hàng đã được giao, nhà cung ứng phải xuất trình sau mỗi đợt giao hàng các chứng từ cho ngân hàng phát hành.

5. Bảo lãnh thanh toán:

Là cam kết của bên bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ thanh toán thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ thanh toán của mình khi đến hạn.

Bảo lãnh thanh toán được dùng chủ yếu trong các hợp đồng mua bán thiết bị hàng hóa trả chậm.

Các bên tham gia gồm:

  • Người bán hay người cung ứng là người thụ hưởng bảo lãnh;
  • Người mua hay người đặt hàng là người yêu cầu bảo lãnh.

Quan hệ giữa người bán và người mua thực chất là quan hệ tín dụng thương mại, theo đó, người mua chấp nhận trả tiền hàng hoá theo kỳ hạn nợ cụ thể.

Để bảo vệ mình trước rủi ro không thanh toán đầy đủ và đúng hạn của người mua, người bán có thể yêu cầu một bảo lãnh trả chậm của ngân hàng. Đây là loại bảo lãnh phổ biến ở các nước đang phát triển và có thể được sử dụng đề thay thế cho phương thức tín dụng chứng từ.

6. Bảo lãnh bảo hành:

Loại bảo lãnh này thường áp dụng trong đấu thầu xây dựng đề bảo hành công trình hoặc bảo lãnh trong các hợp đồng nhập thiết bị đồng bộ để bảo hành thiết bị máy móc. Giá trị bảo lãnh thường từ 5-10% giá trị hợp đồng.

Trong trường hợp người cung ứng hoặc người dự thầu không bảo hành thiết bị, công trình thì ngân hàng bảo lãnh sẽ trả tiền bảo lãnh cho người thụ hưởng đê thuê công ty khác sửa chữa, bảo hành.

Thời hạn hiệu lực của thư bảo lãnh thường từ 12 đến 24 tháng kể từ ngày lắp đặt thiết bị hoàn chỉnh, chạy thử hoặc từ ngày nghiệm thu công trình xây dựng.

7. Bảo lãnh bảo đảm chất lượng sản phẩm:

Là cam kết của bên bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh để bảo đảm việc bên được bảo lãnh thực hiện đúng các thỏa thuận về chất lượng của sản phẩm theo hợp đồng đã ký kết với bên nhận bảo lãnh.

Trường hợp bên được bảo lãnh vi phạm thỏa thuận về chất lượng sản phẩm và phải bồi thường cho bên nhận bảo lãnh mà không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính thì bên bảo lãnh sẽ thực hiện thay.

Trong trường hợp một trong số thành viên đồng bảo lãnh được miễn việc thực hiện phân nghĩa vụ bảo lãnh của mình thì các thành viên khác vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của mình theo cam kết bảo lãnh.

8. Đồng bảo lãnh (Co-Guarantee):

Là việc nhiêu ngân hàng cùng bảo lãnh cho một nghĩa vụ của khách hàng thông qua một ngân hàng làm đầu mối. Các bên tham gia đồng bảo lãnh cùng chịu trách nhiệm liên đới trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Trường hợp ngân hàng đầu mối phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thay cho bên được bảo lãnh thì các bên tham gia có trách nhiệm hoàn trả ngay cho bên làm đầu mối số tiền tương ứng theo tỷ lệ tham gia đông bảo lãnh mà các bên đã thỏa thuận.

9. Xác nhận bảo lãnh (Confirm Guarantee):

Là một bảo lãnh ngân hàng do một ngân hàng (ngân hàng xác nhận) phát hành cho người thụ hưởng về việc bảo đảm khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của ngân hàng phát hành thư bảo lãnh (ngân hàng được xác nhận).Phân Loại Bảo Lãnh Ngân Hàng Trong Thanh Toán Quốc Tế

Trường hợp ngân hàng phát hành thư bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ của mình như đã cam kết với người thụ hưởng thì ngân hàng xác nhận sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho ngân hàng bảo lãnh.

III. Phân loại bảo lãnh ngân hàng theo điều kiện thanh toán

Căn cứ theo điều kiện thanh toán, bảo lãnh ngân hàng bao gồm bảo lãnh thanh toán vô điều kiện; bảo lãnh thanh toán kèm chứng từ; bảo lãnh thanh toán kèm phán quyết của tòa án.

1. Bảo lãnh thanh toán vô điều kiện

– Là bảo lãnh mà việc thanh toán được thực hiện ngay khi ngân hàng phát hành nhận được yêu cầu đầu tiên bằng văn bản của người thụ hưởng và xem đây như một lệnh thanh toán đơn giản không đòi hỏi phải có chứng từ kèm theo.

– Cần lưu ý là văn bản đòi tiền do người thụ hưởng đơn phương lập, không cần có sự xác nhận của người được bảo lãnh hoặc của bên thứ ba nào khác.

– Ngân hàng phát hành không được viện dẫn bất cứ lý do nào liên quan đến hợp đồng gốc để trì hoãn việc thanh toán. Do đó, chỉ người thụ hưởng là có lợi thế tuyệt đối trong loại bảo lãnh này; còn đối với ngân hàng và người được bảo lãnh luôn ở thế bị động và dễ bị lợi dụng lừa đảo.

2. Báo lãnh thanh toán kèm chứng từ – Documentary Guarantee

– Điều kiện thanh toán là phải có chứng từ xác nhận của bên thứ ba (thường là bên độc lập có đủ tư cách chuyên môn để xác nhận).

– Chứng từ có thể được xuất trình theo một trong hai cách sau:

+ Người thụ hưởng xuất trình các chứng từ xác nhận hành vi vi phạm hợp đồng của người được bảo lãnh; các chứng từ này phải do bên thứ ba có tự cách độc lập phát hành.

+ Người thụ hưởng xuất trình yêu cầu thanh toán, ngoài ra không cần xuất trình bất kỳ loại chứng từ nào khác; nhưng ngân hàng phát hành có quyền dừng thanh toán nếu người được bảo lãnh cung cấp các chứng từ của bên thứ ba độc lập xác nhận hợp đồng không bị vi phạm.

– Loại bảo lãnh này bảo vệ người được bảo lãnh tốt hơn so với trường hợp bảo lãnh vô điều kiện.

– Trước khi thanh toán, NH phải tiến hành kiểm tra các chứng từ gửi đến.

3. Bảo lãnh thanh toán kèm theo phán quyết của tòa án:

– Điều kiện thanh toán là người thụ hưởng phải xuất trình phán quyết của tòa án hoặc trọng tài khẳng định việc vi phạm nghĩa vụ của người được bảo lãnh và trách nhiệm bồi hoàn cho người thụ hưởng.

– Trên thực tế, loại bảo lãnh này rất ít được các bên tham gia lựa chọn do tính phức tạp và sự chậm trễ của nó.

Trên đây là thông tin về Phân Loại Bảo Lãnh Ngân Hàng Trong Thanh Toán Quốc Tế. Hy vọng bài viết của Thanh toán Quốc tế sẽ hữu ích với bạn học xuất nhập khẩu.

>>>>> Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *