Thứ Bảy, Tháng Tư 27
Shadow

Các Tình Huống Tranh Chấp Trong Thanh Toán Quốc Tế

Các tình huống tranh chấp trong thanh toán quốc tế chủ yếu liên quan đến thanh toán LC, bởi đây là phương thức thanh toán được sử dụng nhiều nhất nhưng cũng phức tạp nhất về thủ tục, chứng từ. Hiểu được những tình huống tránh chấp trong thanh toán LC sẽ giúp doanh nghiệp quản trị được những rủi ro khi tiến hành các thủ tục thanh toán quốc tế.

>>>>>Xem thêm: Phương thức thanh toán quốc tế an toàn nhất?

1. Thanh Toán LC Là Gì?

Thư tín dụng chứng từ (L/C) là phương thức thanh toán quốc tế mà Ngân hàng thay mặt Người nhập khẩu cam kết với Người xuất khẩu/Người cung cấp hàng hóa sẽ trả tiền trong thời gian quy định khi Người xuất khẩu/Người cung cấp hàng hoá xuất trình những chứng từ phù hợp với quy định trong L/C đã được ngân hàng mở theo yêu cầu của người nhập khẩu.

Thanh toán bằng thư tín dụng chứng từ (L/C) là một phương thức thanh toán liên quan đến việc xuất trình bộ chứng từ hợp lệ. Người bán sẽ được bảo đảm thanh toán nếu xuất trình tại ngân hàng bộ chứng từ phù hợp với quy định đề ra.

Thanh toán bằng thư tín dụng cũng có thể được hiểu là một khoản tạm ứng mà ngân hàng dành cho nhà nhập khẩu hoặc nhà xuất khẩu.

Quy trình thanh toán LC

Quy trình thanh toán L/C thực hiện theo các bước dưới đây:

Sau khi 2 bên tiến hành ký hợp đồng mua bán thì nhà NK căn cứ nội dung hợp đồng để tiến hành mở thư tín dụng:

1/ Nhà NK đề nghị Ngân hàng bên NK phát hành LC cho người thụ hưởng là nhà XK

2/ Ngân hàng phát hành sẽ lập LC và thông qua Ngân hàng đại lý của mình ở đầu XK thông báo thư tín dụng đã được mở đồng thời gửi bản gốc LC cho Ngân hàng đầu XK.

3/ Ngân hàng thông báo (bên nhà XK) sẽ thông báo cho nhà XK nội dung LC và kiểm tra xem đã khớp các điều kiện đã thỏa thuận như trên Hợp đồng chưa và đề nghị xác nhận, đồng thời gửi bản gốc LC cho nhà XK

4/ Nhà XK chấp nhận LC, tiến hành giao hàn

5/ Sau khi giao hàng, nhà XK lập bộ chứng từ theo yêu cầu của LC và xuất trình thông qua Ngân hàng thông báo cho Ngân hàng mở LC đề nghị thanh toán

6/ Ngân hàng mở LC kiểm tra tính hợp lệ của bộ chứng từ, nếu hợp lệ thì tiến hành thanh toán cho nhà XK, nếu không phù hợp thì từ chối thanh toán và trả lại Hồ sơ cho nhà XK.

Trong một số trường hợp phát hiện chứng từ thanh toán không hợp lệ, nhà xuất nhập khẩu cần làm gì để Ngân hàng mở LC thanh toán tiền hàng. Bạn có thể tham khảo thêm bài viết: Trường hợp chứng từ vấp phải bất hợp lệ, người Xuất khẩu cần làm gì để Ngân hàng Mở LC thanh toán tiền

7/ Ngân hàng mở LC đòi tiền nhà NK và chuyển bộ chứng từ gốc cho nhà NK sau khi đã nhận xác nhận thanh toán hoặc đã thanh toán

8/ Nhà NK kiểm tra chứng từ, nếu thấy phù hợp thì tiến hành thanh toán hoặc chấp nhận thanh toán, nếu không phù hợp nội dung LC thì có quyền từ chối thanh toán.

Bộ chứng từ làm thanh toán LC

Bộ chứng từ làm thanh toán L/C gồm những chứng từ cơ bản sau:

Bill of Lading: Vận đơn, có 5 loại Straight bill of lading, Order bill of lading, Bearer bill of lading, Surrender bill of lading, Air waybill

Invoice: Hóa đơn (trong đó có proforma Invoice – hóa đơn chiếu lệ, commercial invoice – hóa đơn thương mại)

Packing List: Bảng kê danh sách hàng hoá đóng thùng chi tiết)

Certificate of Origin: Giấy chứng nhận xuất xứ hóa hóa CO

Insurance Certificate: Chứng từ bảo hiểm lô hàng

Shipping Documents: Chứng từ vận tải

Other Documents (if any) (Các chứng từ khác (nếu có)

2. Vì sao xảy ra tranh chấp trong thanh toán quốc tế

Nguyên nhân gây ra các tranh chấp trong thanh toán quốc tế bằng LC, thường xuất phát từ yếu tố chủ quan và khách quan như sau:

2.1. Nguyên nhân chủ quan gây ra tranh chấp trong thanh toán quốc tế bằng LC

Do thanh toán bằng L/C là phương thức thanh toán phức tạp nhất về bộ chứng từ và quy trình thanh toán. Trong mỗi bước của quy trình thanh toán bằng L/C đều tiềm ẩn rất nhiều rủi ro dẫn đến tranh chấp.

Do thanh toán trong L/C có sự đa dạng trong luật điều chỉnh. Phương thức tín dụng chứng từ có liên quan đến nhiều bên gồm: nhà xuất khẩu & nhập khẩu, ngân hàng phát hành L/C, Ngân hàng thông báo, Ngân hàng thụ thưởng. Vì vậy, gây không ít rắc rối cho các bên thực hiện

tình huống tranh chấp thanh toán quốc tế

2.2. Nguyên nhân khách quan gây ra tranh chấp trong thanh toán quốc tế bằng LC

Doanh nghiệp xuất – nhập khẩu thiếu hiểu biết về các quy định của UCP – đây là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến sai sót chứng từ bởi đa số các doanh nghiệp xuất – nhập khẩu nhận thức UCP là văn bản nghiệp vụ quốc tế dành riêng cho các ngân hàng vì vậy họ cho rằng chỉ cần tuân thủ hợp đồng thương mại quốc tế và những yêu cầu của L/C là đủ.

Trong doanh nghiệp xuất – nhập khẩu không có bộ phận chuyên trách và quy trình giao dịch bằng L/C hoặc có nhưng bộ phận này yếu, thiếu kinh nghiệm và hoạt động không hiệu quả.

Quyền lợi và nghĩa vụ của các bên trong thanh toán bằng tín dụng chứng từ được ghi nhận chủ yếu tại hợp đồng và L/C, tuy nhiên do sự sơ suất hoặc do hạn chế về nghiệp vụ, ngoại ngữ, trình độ pháp lý của những người xây dựng mà nội dung hợp đồng và L/C không rõ ràng hay khả thi sẽ nảy sinh tranh chấp trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó cũng là do tình trạng thiếu kinh nghiệm và thiếu sự phối kết hợp giữa các bộ phận của doanh nghiệp xuất – nhập khẩu trong nước hiện nay, mà chủ yếu là do cách quản lý của doanh nghiệp và sự không hiểu biết về UCP.

Vì vậy, bộ phận thanh toán quốc tế của doanh nghiệp nên trang bị kiến thức về Thanh toán quốc tế, hoặc tham gia các khóa học thanh toán quốc tế của các đơn vị đào tạo uy tín.

3. Các Tình Huống Tranh Chấp Trong Thanh Toán Quốc Tế

Các tình huống tranh chấp trong thanh toán quốc tế thường liên quan đến xuất trình chứng từ và tranh chấp liên quan đến trách nhiệm của các bên liên quan.

3.1. Tình huống tranh chấp trong thanh toán quốc tế liên quan đến xuất trình chứng từ

Ví dụ: Tranh chấp liên quan đến vận đơn đường biển (bill of lading)

Tháng 8/2007 Công ty Dược phẩm T xuất một lô hàng sang Ấn Độ, trị giá lô hàng là 6.400 USD, phương thức thanh toán bằng L/C không hủy ngang, trả ngay, được phép chuyển tải, tuân thủ UCP600. NH mở L/C là Standard Chactered Bank (SCB), NH thông báo là NH A. L/C có yêu cầu:

Trọn bộ 3 bản gốc B/L đã bốc, hoàn hảo.

Gửi hàng được tiến hành từ bất kỳ cảng nào của Việt Nam đến cảng Bombay, Ấn Độ.

Công ty Dược phẩm T đã tiến hành gửi hàng bằng đường biển từ một cảng của Việt Nam đến cảng Cancutta, sau đó hàng được vận chuyển tiếp bằng xe tải đến cảng Bombay, Ấn Độ. Sau khi gửi hàng, công ty Dược phẩm TW1 lập bộ chứng từ và xuất trình cho NH A để gửi tới SCB yêu cầu thanh toán. Trên vận đơn xuất trình có ghi:

“Cảng bốc hàng (Port of loading): Cảng Hải Phòng, Việt Nam”

“Cảng dỡ hàng (Port of discharge): Cảng Cancutta, Ấn Độ”

“Nơi đến cuối cùng (Place of final destination): Cảng Bombay, Ấn Độ”

SCB đã từ chối thanh toán bộ chứng từ trên với lý do B/L không thể hiện việc gửi hàng từ một cảng của Việt Nam tới cảng Bombay, Ấn Độ như yêu cầu của L/C. Theo điều 19a UCP600, yêu cầu chứng từ vận tải đa phương thức phải chỉ rõ nơi gửi hàng, nhận hàng để chở hoặc giao hàng và nơi hàng đến cuối cùng quy định như trong L/C.

Trong trường hợp này, L/C quy định việc gửi hàng từ “một cảng Việt Nam” đến “cảng Bombay, Ấn Độ”. Do đó, chứng từ vận tải được chấp nhận phải chỉ rõ được bốc hàng tại cảng Hải Phòng, Việt Nam và dỡ hàng tại cảng cuối cùng là Bombay, Ấn Độ.

Tuy nhiên, B/L được xuất trình ghi cảng dỡ hàng là cảng Cancutta, Ấn Độ là không phù hợp với yêu cầu của L/C. Hơn nữa, điều 19b UCP600 cũng định nghĩa “chuyển tải là dỡ hàng xuống từ phương tiện vận tải này và lại bốc hàng lên một phương tiện vận tải khác (dù cho phương thức vận tải có khác nhau hay không) trong quá trình vận chuyển từ nơi gửi, nhận hàng để chở hoặc nơi giao hàng đến nơi đến cuối cùng quy định trong tín dụng”. Trong khi đó, công ty Dược phẩm T lại hiểu sai rằng chuyển tải là chuyển sang một phương thức vận chuyển khác.

Vì thế, công ty đã gửi hàng bằng đường biển đến cảng Calcutta và vận chuyển tiếp bằng đường bộ (xe tải) đến cảng Bombay. Do tất cả những lỗi trên nên NH mở L/C đã từ chối thanh toán và phải mất rất nhiều thời gian thương lượng, chi phí tốn kém NH A mới thuyết phục được đối tác chuyển sang phương thức nhờ thu.

3.2. Tình huống tranh chấp liên quan đến trách nhiệm của các bên liên quan

Ví dụ: trường hợp người xuất khẩu lập các chứng từ thanh toán không phù hợp với các qui định trong L/C

Trong giao dịch bằng thư tín dụng, việc lập và xuất trình một bộ chứng từ phù hợp đòi tiền ngân hàng phát hành hoặc ngân hàng xác nhận L/C là nghĩa vụ cơ bản của người hưởng lợi. Nếu vì một lý do khách quan hay chủ quan nào đó mà người hưởng lợi không xuất trình được một bộ chứng từ đòi tiền phù hợp thì quyền lợi của chính bản thân người hưởng lợi, ngân hàng trả tiền, ngân hàng chiết khấu sẽ bị ảnh hưởng. Mức độ phổ biến của sử dụng thư tín dụng trong thanh toán quốc tế qua thời gian luôn tăng lên cùng với sự phát triển của buôn bán quốc tế. Thư tín dụng cho phép người bán hưởng đầy đủ quyền lợi với điều kiện họ phải hoàn thành trách nhiệm nghĩa vụ theo đúng yêu cầu của thư tín dụng đã mở.

Trong thanh toán tín dụng chứng từ, ngân hàng mở L/C đứng ra cam kết thanh toán cho người xuất khẩu khi họ xuất trình bộ chứng từ phù hợp với nội dung của L/C, ngân hàng chỉ làm việc với các chứng từ quy định trong L/C. Phương thức thanh toán tín dụng chứng từ đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối giữa bộ chứng từ thanh toán với nội dung quy định trong L/C. Chỉ cần một sơ suất nhỏ trong việc lập chứng từ thì nhà xuất khẩu cũng có thể bị ngân hàng mở L/C và người mua bắt lỗi, từ chối thanh toán. Do đó, việc lập bộ chứng từ thanh toán là một khâu quan trọng và rất dễ gặp rủi ro đối với nhà xuất khẩu

Trên thực tế có rất nhiều sai sót xảy ra trong quá trình lập chứng từ, thường gặp vẫn là:

– Lập chứng từ sai lỗi chính tả, sai tên, địa chỉ của các bên tham gia, của hãng vận tải

– Chứng từ không hoàn chỉnh về mặt số lượng.

– Các sai sót trên bề mặt chứng từ : số tiền trên chứng từ vượt quá giá trị của L/C; các chứng từ không ghi số L/C, không đánh dấu bản gốc; các chứng từ không khớp nhau hoặc không khớp với nội dung của L/C về số lượng, trọng lượng, mô tả hàng hoá…; các chứng từ không tuân theo quy định của L/C về cảng bốc dỡ hàng, về hãng vận tải, về phương thức vận chuyển hàng hóa…

Tất cả những sai sót trên đều là những nguyên nhân gây nên rủi ro cho nhà xuất khẩu khi lập bộ chứng từ thanh toán. Ngoài ra, do sự khác biệt về tập quán, luật lệ ở mỗi nước cho nên dễ dẫn đến những sai sót khi nhà xuất khẩu hoàn tất bộ chứng từ hàng hoá để gửi ngân hàng xin thanh toán.

Để nắm rõ về nghiệp vụ thanh toán quốc tế, bạn có thể học thêm khóa học thanh toán quốc tế tại các trung tâm đào tạo uy tín, bạn có thể tham khảo bài viết về Học thanh toán quốc tế ở đâu tốt của chúng tôi để lựa chọn địa chỉ học thanh toán quốc tế phù hợp.

Bài viết tham khảo:

Hối phiếu trong thanh toán quốc tế

Phân biệt Vận đơn gốc và Vận đơn copy

Quy Trình Chuyển Tiền Trong Thanh Toán Quốc Tế

Từ khóa: tranh chấp trong thanh toán quốc tế bằng LC.

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *