Thứ Bảy, Tháng Tư 20
Shadow

Quy trình và Bộ chứng từ thanh toán LC

Quy trình & Bộ chứng từ thanh toán LC như thế nào là vấn đề mà doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần đặc biệt chú ý. Hiện nay thanh toán LC đang chiếm đa số trong các giao dịch xuất nhập khẩu – thương mại quốc tế. Tuy nhiên về quy trình và bộ chứng từ có phần phức tạp hơn so với các phương tác thanh toán quốc tế khác. Vì vậy, ở bài viết này chúng tôi sẽ chia sẻ cụ thể về quy trình và bộ chứng từ thanh toán LC.

>>>>> Xem thêm: Chứng từ thương mại trong thanh toán quốc tế

1. Thanh toán LC là gì?

Để nắm rõ được quy trình thanh toán LC và bộ chứng từ kèm theo, chúng ta cần biết thanh toán LC là gì?

Tín dụng chứng từ (Letter of Credit – L/C) là một cam kết thanh toán có điều kiện bằng văn bản của một tổ chức tài chính (ngân hàng phát hành tín dụng) theo yêu cầu của khách hàng (người yêu cầu mở tín dụng chứng từ) sẽ trả một số tiền nhất định cho một người khác (người hưởng lợi) hoặc chấp nhận hối phiếu do người hưởng lợi ký phát trong phạm vi số tiền đó khi người hưởng lợi xuất trình cho ngân hàng các chứng từ phù hợp với những quy định của tín dụng chứng từ.

2. Đặc Điểm Của Thanh Toán LC

Phương thức thanh toán tín dụng chứng từ liên quan đến hai hợp đồng độc lập: Một là thỏa thuận xin mở thư tín dụng giữa người mở thư tín dụng (người nhập khẩu) và ngân hàng phát hành; hai là thư tín dụng: cam kết trả tiền có điều kiện của ngân hàng phát hành đối với người hưởng lợi.

L/C không phụ thuộc, độc lập với hợp đồng cơ sở (hợp đồng mà xuất phát từ hợp đồng đó, người ta tiến hành mở L/C). Các ngân hàng không liên quan hoặc bị ràng buộc bởi các hợp đồng như thế ngay cả khi L/C có dẫn chiếu đến các hợp đồng đó.

L/C chỉ giao dịch bằng chứng từ và thanh toán chỉ căn cứ vào chứng từ. Các ngân hàng làm việc với nhau trên cơ sở chứng từ chứ không quan tâm đến hàng hóa/dịch vụ. Cho dù rủi ro xảy ra như người bán giao hàng thiếu, sai hay kém chất lượng nhưng trên bề mặt chứng từ thể hiện phù hợp với L/C, Quy tắc thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ (UCP) thì ngân hàng phát hành phải thanh toán cho người hưởng thụ. Các bên tham gia L/C không được lợi dụng vào tình trạng hàng hóa/dịch vụ được giao để trì hoãn việc thanh toán.

Mặc dù người đề nghị mở L/C tham gia với tư cách là người mua hàng hóa/dịch vụ, nhưng ngân hàng phát hành mới là người thanh toán, cho nên người thụ hưởng ký phát hối phiếu đòi tiền thì phải đòi tiền ngân hàng phát hành L/C.

L/C yêu cầu tính tuân thủ chặt chẽ của bộ chứng từ.

L/C là công cụ thanh toán, hạn chế rủi ro, đảm bảo một cách tương đối quyền lợi của người bán và người mua trong hoạt động ngoại thương.

3. Quy Trình Thanh Toán LC

quy trình thanh toán LC

Bước 1: Người mua xin mở L/C.

Bước 2: Ngân hàng phát hành L/C.

Bước 3: Ngân hàng thông báo xác minh tính chân thực bề ngoài rồi gửi L/C cho người hưởng lợi.

Bước 4: Người bán kiểm tra L/C. Nếu không chấp nhận thì yêu cầu người mua sửa đổi bổ sung, nếu chấp nhận thì tiến hành giao hàng.

Bước 5: Người bán lập bộ chứng từ thanh toán theo yêu cầu.

Bước 6: Ngân hàng mở L/C kiểm tra chứng từ. Nếu chứng từ phù hợp với L/C thì trả tiền cho người bán, nếu không phù hợp thì từ chối trả tiền và thông báo cho các bên liên quan để giải quyết.

Bước 7: Ngân hàng mở L/C chuyển chứng từ cho cho người xin mở với điều kiện người này trả tiền hoặc chấp nhận trả tiền.

Bước 8: Người mua kiểm tra chứng từ, nếu thấy phù hợp thì hoàn tiền cho ngân hàng mở L/C, nhận chứng từ để đi nhận hàng; nếu phát hiện chứng từ có sai sót so với quy định của L/C thì có quyền từ chối hoàn trả tiền, khi đó trách nhiệm thuộc về ngân hàng mở L/C.

4. Bộ Chứng Thanh Toán Quốc Tế LC

Hóa đơn thương mại

Hóa đơn thương mại được xem như là trung tâm của bộ chứng từ xuất trình đòi tiền theo L/C vì trong trường hợp không dùng hối phiếu thì hóa đơn là căn cứ để thanh toán tiền hàng. Hóa đơn thương mại thường liệt kê rõ danh mục hàng hóa xuất giao cho người nhập khẩu, quy cách, phẩm chất, số kiện, số lượng, trọng lượng, đơn vị hàng hóa cùng đơn giá và số tiền.
Một số tranh chấp liên quan đến hóa đơn thương mại thường liên quan đến hai vấn đề sau:

– Trị giá hóa đơn: tiền của thư tín dụng có thể là 100% trị giá hóa đơn hoặc lớn hơn. Nếu số tiền ghi trên hóa đơn vượt quá giá trị của L/C thì ngân hàng có quyền từ chối hóa đơn đó.

– Mô tả hàng hóa trên hóa đơn: Điều 37 UCP 500 qui định: việc mô tả hàng hóa trong hóa đơn thương mại phải phù hợp hoàn toàn với mô tả hàng hóa trong thư tín dụng.

Các chứng từ vận tải

Vận đơn đường biển

Là chứng từ làm bằng chứng cho một hợp đồng chuyên chở bằng đường biển và cho việc người chuyên chở đã nhận hàng để chở hoặc xếp hàng xuống tàu và bằng vận đơn này người chuyên chở cam kết sẽ giao hàng khi xuất trình vận đơn (Công ước Brussel 1924).

Sau khi giao hàng và nhận được vận đơn, người bán có thể fax cho người mua để thông báo là đã giao hàng, đồng thời tiến hành lập bộ chứng từ thanh toán, trong đó vận đơn là chứng từ quan trọng không thể thiếu.

Vận đơn hàng không: là chứng từ vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không và là bằng chứng của việc ký hợp đồng, việc đã tiếp nhận hàng hóa và các điều kiện của hợp đồng.

Chứng từ vận tải đường sắt, đường bộ và đường sông.

Chứng từ vận tải đa phương thức.

Chứng từ bảo hiểm

Thư tín dụng sẽ yêu cầu xuất trình chứng từ bảo hiểm trong trường hợp người bán chịu trách nhiệm mua bảo hiểm cho hàng hóa xuất khẩu, ví dụ như trường hợp mua bán với điều kiện CIF, CIP…

Thực tiễn thanh toán tín dụng chứng từ tại Việt nam trong thời gian qua cho thấy các vụ tranh chấp liên quan đến chứng từ bảo hiểm thường phát sinh từ những nguyên nhân sau:

Chứng từ bảo hiểm không bao gồm loại rủi ro quy định trong L/C.

Loại tiền tệ ghi trên chứng từ bảo hiểm khác với loại tiền tệ của L/C.

Bảo hiểm có hiệu lực sau ngày ghi trên vận đơn hoặc trên các chứng từ vận tải khác.

Số tiền bảo hiểm nhỏ hơn 110% giá CIF của hàng hóa.

Một số loại chứng từ khác

Phiếu đóng gói hàng hóa là loại chứng từ thể hiện cách thức đóng gói của lô hàng. Qua đó, người đọc có thể biết lô hàng có bao nhiêu kiện, trọng lượng và dung tích thế nào.

Tờ khai hải quan là chứng từ kê khai hàng hóa xuất nhập khẩu với cơ quan hải quan để hàng đủ điều kiện để xuất khẩu hoặc nhập khẩu vào một quốc gia.

Chứng từ kiểm dịch là loại chứng nhận do cơ quan kiểm dịch (động vật hoặc thực vật) cấp, để xác nhận cho lô hàng xuất nhập khẩu đã được kiểm dịch. Mục đích của công việc này là để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ.

Để nắm rõ về nghiệp vụ thanh toán quốc tế, bạn có thể học thêm khóa học thanh toán quốc tế tại các trung tâm đào tạo uy tín, bạn có thể tham khảo bài viết về Học thanh toán quốc tế ở đâu tốt của chúng tôi để lựa chọn địa chỉ học thanh toán quốc tế phù hợp.

Bài viết xem nhiều:

 

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *